QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 05/2007/KDTM-GĐT NGÀY 14/08/2007 VỀ VIỆC TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA 

TÒA KINH TẾ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

Họp phiên tòa ngày 14 tháng 8 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, để mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ TIMI (sau đây viết tắt là Doanh nghiệp TIMI);

Trụ sở tại: 252 Trần Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk;

Ủy quyền cho ông Nguyễn Mai Hiệp; trú tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Hạnh

Trú tại: 24 Y Jut, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk (cá nhân có đăng ký kinh doanh);

Người làm chứng: Công ty chế biến thực phẩm quốc tế (Interfood) (sau đây viết tắt là Công ty quốc tế Interfood ); trụ sở số 9, đường 5, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Do có Quyết định kháng nghị số 14/KN-ANDTM ngày 19/7/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

NHẬN THẤY

Nguyên đơn (Doanh nghiệp TIMI) trình bày: vào mua trung thu năm 2003 Doanh nghiệp TIMI có bán cho đại lý Phương Hạnh một số bánh trung thu hiệu WONDERFARM do bà Nguyễn Thị Hạnh làm chủ, khi bán chỉ thông qua số bán hàng từ ngày 13/8/2003 đến ngày 16/9/2003; trị giá hàng là 154.956.000 đồng, Doanh nghiệp TIMI đồng ý cho đại lý Phương Hạnh trả thẳng tiền cho Công ty quốc tế Interfood. Nhưng chị Hạnh mới thanh toán cho phía Doanh nghiệp TIMI số tiền 86.973.600 đồng. Nay Doanh nghiệp TIMI yêu cầu chị Hạnh phải có trách nhiệm trả cho Doanh nghiệp TIMI số tiền còn nợ là: 67.982.400 đồng để Doanh nghiệp TIMI trả cho Công ty quốc tế Interfood.

Bị đơn (bà Nguyễn Thị Hạnh ) trình bày: Vào mùa Trung thu năm 2003 tôi có ký biên bản thỏa thuận bán bánh Trung thu WONDERFARM với Công ty quốc tế Interfood vào ngày 01/7/2003 và phụ lục thỏa thuận bán bánh Trung thu WONDERFARM cùng ngày. Số hàng tôi nhận của Công ty quốc tế Interfood thông qua đại diện bán hàng của Công ty giao hàng cho tôi thông qua kho của Doanh nghiệp TIMI về phương thức thanh toán. Đại lý Phương Hạnh thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản Công ty quốc tế Interfood. Tôi được hưởng chiết khấu (hoa hồng), tiền hỗ trợ tủ trưng bày theo biên bản thỏa thuận và phụ lục biên bản thỏa thuận ngày 01/7/2003, trị giá hàng tôi nhận là 154.956.000 đồng. Sau khi trừ các khoản tôi được hưởng theo thỏa thuận giữa Công ty và tôi, số tiền còn lại tôi phải thanh toán cho Công ty quốc tế Interfood là: 86.956.000 đồng. Số tiền này tôi đã thanh toán cho công ty và công ty đã có bản tổng hợp công nợ ngày 20/9/2003 xác nhận tôi đã trả hết nợ.

Tôi không mua bán gì với Doanh nghiệp TIMI, nay Doanh nghiệp TIMI khởi kiện đòi tôi số tiền 67.892.400 đồng tôi không chấp nhận.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 92/2005/DSST ngày 02/11/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk quyết định:

Bác toàn bộ đơn khởi kiện của Doanh nghiệp TIMI yêu cầu bà Nguyễn Thị Hạnh phải có trách nhiệm trả số tiền 67.892.400 đồng.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/11/2005, Doanh nghiệp TIMI có đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 92/2005/DSST ngày 02/11/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk với yêu cầu bà Nguyễn Thị Hạnh phải thanh toán lại số tiền 67.000.000 đồng cho Doanh nghiệp TIMI.

Tại bản án Dân sự phúc thẩm số 94/2006/DSPT ngày 22/9/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã áp dụng điểm a khoản 1 Điều 29, khoản 2 Điều 275; ĐIều 276; khoản 2 ĐIều 132 Bộ luật tố tụng dân sự: sửa bản án dân sự sơ thẩm, buộc bà Nguyễn Thị Hạnh phải thanh toán lại số tiền 33.991.200 đồng.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/7/2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 14/KN-AKDTM kháng nghị bản án Dân sự phúc thẩm số 94/2006/DSPT ngày 22/9/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk. Đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 92/2005/DSST ngày 02/11/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk, đình chỉ giải quyết vụ án với lý do:

Việc mua bán hàng hóa giữa bà Hạnh và Công ty quốc tế Interfood thực hiện giao hàng thông qua kho của Doanh nghiệp TIMI với số lượng 154.956.000 đồng, bà Hạnh được hưởng 67.982.4000 đồng và đã trả Công ty quốc tế Interfood số tiền 86.973.600 đồng có xác nhận của đại diện Công ty quốc tế Interfood và của chủ Doanh nghiệp TIMI.

Doanh nghiệp TIMI cho rằng có quan hệ mua bán bánh với đại lý Phương Hạnh và đòi đại lý Phương Hạnh phải trả số tiền nợ 67.982.400 đồng là không có cơ sở.

Bản án dân sự sơ thẩm số 92/2005/DSST ngày 02/11/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk đã xử bác đơn khởi kiện cảu Doanh nghiệp TIMI nhưng lại xác định tính chất của vụ án là vụ án dân sự là không đúng với quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự, lẽ ra phải căn cứ vào điểm b, khoản 1 Điều 168 và khoản 2 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự để trả lại đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Bản án dân sự phúc thẩm xác định tranh chấp giữa Doanh nghiệp TIMI và đại lý Phương Hạnh là tranh chấp kinh doanh thương mại nhưng lại xét xử buộc đại lý Phương Hạnh trả cho Doanh nghiệp TIMI 33.991.200 đồng là không có căn cứ vì: Doanh nghiệp TIMI không ký hợp đồng, không có văn bản thỏa thuận trực tiếp với đại lý Phương Hạnh về việc mua bán hoặc thanh toán các khoản tiền liên quan đến mua bán bánh trung thu, vì vậy giữa hai bên không phát sinh quyền và nghĩa vụ với nhau, Doanh nghiệp TIMI không có tư cách để khởi kiện đề đòi tiền đối với đại lý Phương Hạnh. Lẽ ra Tòa phúc thẩm phải căn cứ vào Điều 278 Bộ luật tố tụng dân sự để xét xử theo hướng hủy bản án dân sự sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Bản án dân sự phúc thẩm còn có sai sót khi ghi ký hiệu và trích yếu theo quy định tại mục 2.3 Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nghe đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa trình bày ý kiến, sau khi thảo luận và nghị bàn; Hội đồng giám đốc thẩm nhận định:

Ngày 01/7/2003, Công ty quốc tế Interfood ký biên bản thỏa thuận giao hàng cho đại ký Phương Hạnh do bà Nguyễn Thị Hạnh làm chủ bán bánh trung thu hiệu WONDERFARM. Theo Điều II chiết khấu bán hàng cho bên B: nếu số tiền bán hàng trên 100.000.000 đồng được chiết khấu 40%.

Tại phụ lục “thỏa thuận biên bản bán bánh trung thu WONDERFARM ngày 01/7/2003”, hai bên thỏa thuận: “đại diện bán hàng Công ty quốc tế Interfood (giám sát bán hàng của Chi nhánh Nha Trang) giao hàng cho đại lý Phương Hạnh thông qua Doanh nghiệp TIMI địa chỉ 252 đường Trần Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Điều 4 của Phụ lục nhắc lại: Đại lý Phương Hạnh sẽ được hưởng mọi quyền lợi và trách nhiệm theo Biên bản thỏa thuận bán bánh trung thu WONDERFARM số 02/03 đã ký ngày 01/7/2003.

Như vậy khoản tiền chiết khấu được thỏa thuận trong “Biên bản thỏa thuận” hay trong “Phụ lục thỏa thuận” giữa Công ty quốc tế Interfood và đại lý Phương Hạnh chỉ dành cho đại lý Phương Hạnh. Doanh nghiệp TIMI không xuất trình được tài liệu, chứng cứ về việc thỏa thuận giữa Công ty quốc tế Interfood, đại lý Phương Hạnh và Doanh nghiệp TIMI hoặc cam kết song phương giữa đại lý Phương Hạnh và Doanh nghiệp TIMI đối với khoản chiết khấu nói trên. Tuy trong “Phụ lục thỏa thuận” có nêu: “đại diện bán hàng của Chi nhánh Interfood Nha Trang giao hàng cho đại lý Phương Hạnh thông qua Doanh nghiệp TIMI”; nhưng điều này không làm phát sinh nghĩa vụ gì trong quan hệ này là của hai Doanh nghiệp TIMI và Công ty quốc tế Interfood, đại lý Phương Hạnh không có trách nhiệm. Mặc dù Doanh nghiệp TIMI có thay mặt cho Công ty quốc tế Interfood giao hàng, xác nhận số hàng đại lý Phương Hạnh đã nhận nhưng Doanh nghiệp TIMI đòi chia số tiền chiết khấu bán hàng của đại lý Phương Hạnh khi “không có một thỏa thuận hay cam kết nào” của đại lý Phương Hạnh là không có căn cứ.

Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xử bác đơn yêu cầu của Doanh nghiệp TIMI đòi nhận tiền chiết khấu bán hàng của đại lý Phương Hạnh là đúng. Tòa án cấp phúc thẩm xử đại lý Phương Hạnh phải trả cho Doanh nghiệp TIMI một nửa số tiền chiết khấu bán hàng là không có căn cứ.

Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự thì đây là vụ án kinh doanh thương mại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định là vụ án dân sự là không đúng, nhưng nội dung vụ án đã xét xử đúng, thiếu sót này là không nghiêm trọng chỉ cần rút kinh nghiệm, nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm. Do đó, hủy Bản án Dân sự phúc thẩm số 94/2006/DSPT ngày 22/9/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 92/2005/DSST ngày 02/11/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk.

Vì các lẽ trên,

HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỐC THẨM QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 2 Điều 291; khoản 2 Điều 297; Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự:

Hủy Bản án Dân sự phúc thẩm số 94/2006/DSPT ngày 22/9/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 92/2005/DSST ngày 02/11/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk.

 

Tên bản án

Quyể định giám đốc thẩm số  05/2007/KDTM-GĐT NGÀY 14/08/2007 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English